GD&TĐ -Ngày 17/10, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia ‘Đào tạo giáo viên đáp ứng đổi mới chương trình Giáo dục Mầm non’.
Trẻ mầm non quận Tây Hồ (Hà Nội). |
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ nhiệm vụ của Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018- 2025” (Đề án 33).
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, bậc học mầm non là nền tảng căn bản cho sự phát triển. Nền tảng ấy hình thành nên sơ đồ nhận thức của con người. Giáo viên mầm non là người kiến tạo những nền tảng đầu tiên phát triển của đứa trẻ. Công việc của giáo viên rất vất vả, không chỉ công sức, thời gian mà là sự tinh tế, nhạy cảm, chính xác để tác động đến “nền tảng con người”.
Giáo viên mầm non chỉ có thể giúp cho trẻ phát triển tối đa theo tiềm năng của các con khi có đầy đủ kiến thức, năng lực về môn học và sự phát triển của trẻ. Thực tiễn này đòi hỏi đổi mới chương trình giáo dục mầm non.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn phát biểu tại hội thảo.
Là một trong những cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nhấn mạnh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ý thức rõ vấn đề học thuật phải được đưa lên hàng đầu, với nhiều khía cạnh khác nhau: nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học… và điều chỉnh và phát triển các chương trình đào tạo.
Nhấn mạnh, giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho rằng, đây là cấp học đặt nền móng ban đầu nhằm hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.
Vấn đề có vị trí quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực cho giáo dục mầm non là đào tạo đội ngũ giáo viên có chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu mới của xã hội và của ngành.
Ông Phạm Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo.
“Trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ hiện nay, đổi mới đào tạo cử nhân sư phạm nói chung và cử nhân sư phạm giáo dục mầm non nói riêng là đòi hỏi tất yếu, trong đó vai trò của các trường sư phạm càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”- ông Phạm Tuấn Anh nhìn nhận.
Hội thảo “Đào tạo giáo viên đáp ứng đổi mới chương trình Giáo dục Mầm non” xoay quanh các chủ đề: Định hướng đổi mới trong xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục mầm non; Phát triển năng lực trẻ em trong giáo dục mầm non; các năng lực cốt lõi cần có của giáo viên để đổi mới chương trình giáo dục mầm non; Vấn đề phát triển năng lực cho sinh viên ngành Giáo dục Mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non.
Đây là những vấn đề không chỉ là mối quan tâm của các trường sư phạm, mà còn là quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT trong chiến lược đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam.
Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo.
Các báo cáo, bài viết tại Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc đổi mới chương trình đào tạo và các hoạt động phát triển chuyên môn giáo viên mầm non, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non nói chung, chương trình giáo dục mầm non nói riêng. Hội thảo cũng góp phần thiết lập mạng lưới trao đổi chuyên môn, học thuật giữa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non trong và ngoài nước.
Toàn cảnh hội thảo.
Hội thảo “Đào tạo giáo viên đáp ứng đổi mới chương trình Giáo dục Mầm non” nhằm tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ thông tin khoa học và kinh nghiệm các vấn đề liên quan đến chương trình giáo dục mầm non, việc đào tạo và phát triển chuyên môn cho giáo viên mầm non.
Trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp, khuyến nghị với Bộ GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng và các bên hữu quan về định hướng cho việc xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo đại học và sau đại học ngành Giáo dục Mầm non, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non quốc gia.
Tin liên quan Góp ý hồ sơ nghị quyết đổi mới Chương trình Giáo dục Mầm non Tạo đà cho Chương trình giáo dục mầm non mới Đề xuất triển khai hiệu quả thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới