Muốn hẹn hò riêng với chồng nhưng không gửi con trai 5 tuổi cho ai được nên Thanh Nhã đưa cả gia đình đến “kids cafe”, tối 1/4.
Đây là lần đầu người phụ nữ 28 tuổi đến trải nghiệm mô hình quán cà phê kết hợp khu vui chơi cho trẻ có người trông (Kids cafe). So với các khu vui chơi giải trí trong trung tâm thương mại, bà mẹ một con đánh giá không gian quán rộng rãi, sạch sẽ, không giới hạn thời gian chơi. Phụ huynh có thể quan sát mọi hoạt động của con qua camera giám sát. Trẻ có nhân viên quán trông giữ và chơi cùng. "Đây là những khoảng thời gian hiếm hoi hai vợ chồng như được hẹn hò riêng mà không bị con quấy phá", Nhã nói.
Chị Ngô Thoại Mỹ, 29 tuổi, ở quận 7 (TP HCM) từng liên tục từ chối lời mời tụ tập cùng bạn bè vì con nhỏ hiếu động hay quấy khóc. Mối quan hệ xã hội của cô cứ hẹp dần chưa kể nhiều lần căng thẳng, cãi nhau với chồng bởi cuộc sống chỉ xoay quanh con. "Để con ở nhà thì không ai trông, mà đưa đi thì còn mệt hơn, lại gây ảnh hưởng đến mọi người", cô than thở.
Nhưng từ khi biết đến quán cà phê có dịch vụ trông nom trẻ nhỏ, Mỹ giải quyết được mọi khó khăn, có thể yên tâm trò chuyện cùng bạn bè, con nhỏ đã được các bạn nhân viên chăm sóc.
Nhân viên tại một quán Kids cafe ở quận 7 cùng chơi với trẻ hôm 1/4. Ảnh: Minh Tâm.
Số người tìm đến các quán cà phê cho trẻ em như Nhã, Mỹ có xu hướng tăng từ đầu năm 2022, khi nhu cầu vui chơi, giải trí sau dịch bệnh lớn.
Kids cafe là mô hình quán giải khát kết hợp với khu vui chơi cho trẻ em có nguồn gốc từ Hàn Quốc hơn chục năm trước, chuyên phục vụ các gia đình có con trong độ tuổi sơ sinh đến hết bậc tiểu học.
Theo khảo sát của VnExpress, tại TP HCM có khoảng hơn 20 quán, trung bình mỗi ngày đón 50-60 lượt khách, riêng hai ngày cuối tuần có thể lên đến 120-200.
Anh Nguyễn Văn Đoàn, quản lý một quán Kids cafe ở phường Tân Phú, quận 7, cho biết khoảng hai năm nay mô hình phát triển mạnh. Từ cuối năm 2021, lượng khách đến quán tăng khoảng 30%.
Quản lý cửa hàng cho biết tại các khu vực vui chơi đều lắp đặt camera và bố trí nhân viên trông coi, đảm bảo sự an toàn cho các khách hàng hàng nhí. "Ngoài đảm nhận vai trò giám sát, các nhân viên còn hướng dẫn cách chơi hoặc chơi cùng bé", anh Đoàn chia sẻ.
Giá vé vào cửa tại các quán thường áp dụng theo lượt hoặc giờ, chi phí đồ ăn, đồ uống tính riêng. Mức phí tăng gấp đôi vào cuối tuần.
Đại diện của một Kids cafe ở phường Tân Hưng, quận 7, cho biết khách thường đến quán trong khoảng 18-21h, lúc trẻ đi học về. Riêng cuối tuần, 10-12h và 16-18h là hai khung giờ đông khách nhất. Trung bình, các gia đình thường ngồi chơi trong hai tiếng.
"Hiện lượng khách ngày cuối tuần tăng gấp 3-4 lần, nhân viên phục vụ cũng được tăng cường hơn chục người, trong tuần chúng tôi duy trì 7-8 người", người đại diện chia sẻ thêm.
Nhân viên quán thường xuyên vệ sinh và khử khuẩn đồ chơi để đảm bảo an toàn cho trẻ. Ảnh: Minh Tâm.
Dịch vụ này cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều tại Hà Nội với gần 20 đơn vị cung cấp dịch vụ. Vé vào cửa một lượt khoảng 140.000 - 250.000 đồng không giới hạn thời gian hoặc tính theo giờ, 100.000 - 150.000 đồng một tiếng.
Là một trong những đơn vị đầu tiên mở dịch vụ tại Hà Nội, chị Nguyễn Hải Khánh Linh, 34 tuổi, chủ quán Kids cafe ở quận Bắc Từ Liêm, cho biết triển khai dịch vụ từ năm 2021 trên diện tích rộng 600 m2.
Giải thích về lý do mở dịch vụ này, chị Linh nói xuất phát từ mong muốn cá nhân, bởi các khu vui chơi truyền thống quá đông, không tách biệt trẻ với các thiết bị điện tử; phụ huynh đến nơi không có chỗ nghỉ ngơi. "Tôi quyết định tạo một không gian hiện đại, rộng rãi, sạch sẽ cho các gia đình. Phụ huynh có thể chơi cùng con hoặc tách con để tụ tập bạn bè, làm việc", chị nói.
Học tập mô hình tại Hàn Quốc và TP HCM, không gian quán được thiết kế thành nhiều khu vui chơi biệt lập cho từng nhóm trẻ mô phỏng các siêu thị, nhà hàng, bệnh viện, khu cắm trại, phòng hóa trang cho đến khu vực spa. Hầu hết đồ chơi đều bằng gỗ mộc, kích thích khả năng sáng tạo, khéo léo xử lý tình huống của trẻ. Mỗi cuối ngày, khu vui chơi đều có nhân viên vệ sinh, đồ chơi sẽ được khử khuẩn.
Từ những ngày đầu khai trương, chị Linh cho biết lượng khách đến quán tăng đều. Sau một năm triển khai, đơn vị tiếp tục mở chi nhánh thứ hai trên phố Hàng Da (quận Hoàn Kiếm). Lượng khách tại hai cơ sở duy trì ở mức ổn định, ngày cuối tuần có thể đón 300-400 lượt. Nhóm khách thường xuyên sử dụng dịch vụ chiếm 70-80%. Nhiều thời điểm quán phải thông báo tạm dừng đón khách do hết chỗ.
Hiện quán chị Linh có 12 nhân viên phục vụ đồ ăn và điều phối hoạt động tại các khu vui chơi. Trẻ đến quán có thể tự chơi, bố mẹ theo dõi qua màn hình cỡ lớn. Riêng các bé dưới 3 tuổi, luôn có phụ huynh theo sát để đảm bảo an toàn.
Ngoài thiết kế khu vui chơi, một quán cà phê khác ở quận Nam Từ Liêm còn cung cấp dịch vụ hỗ trợ trông trẻ. "Mỗi bé sẽ được chăm sóc riêng bởi một nhân viên đã được đào tạo các kỹ năng chăm sóc trẻ em và có trách nhiệm cao", người đại diện nói.
Phụ huynh và trẻ nhỏ được thoải mái vui chơi trong không gian quán cà phê trẻ em tại quận Bắc Từ Liêm đầu năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Muốn con gái có không gian vui chơi an toàn, tránh xa thiết bị điện tử, chị Lê Ánh, 35 tuổi, quận Cầu Giấy (Hà Nội) thường xuyên đến các quán cà phê trẻ em, mỗi cuối tuần. Trong thời gian con gái 4 tuổi chơi cùng các bạn, chị có thể giải quyết nốt công việc và quan sát mọi hoạt động qua màn hình.
"Không gian nơi đây rất rộng giúp con thỏa sức chơi đùa mà không lo bị các thiết bị điện tử thu hút hay bị các anh chị lớn hơn không may va trúng", chị Ánh nói.
Khi mô hình quán cà phê kết hợp khu vui chơi cho trẻ nhỏ ngày càng bùng nổ, anh Đỗ Duy Thanh, Giám đốc trường đào tạo kinh doanh và khởi nghiệp HoReCa Business School, nhận định dịch vụ này khởi phát từ các chỗ "ngồi uống nước chờ con" dành cho phụ huynh tại khu vui chơi trẻ em.
"Các gia đình ngày nay đều có kinh tế tốt, sẵn sàng chi tiền và thời gian rảnh để quan tâm, thúc đẩy sự phát triển cân bằng của trẻ nhỏ. Việc hình thành các quán cà phê trẻ em là xu hướng trong tương lai và có khả năng phát triển tốt", ông Thanh nói.
Nhận định của ông Thanh là có cơ sở bởi Việt Nam là nước có tỷ lệ hộ gia đình có trẻ em cao nhất tại khu vực Đông Nam Á, với 12% hộ gia đình có con dưới một tuổi và 20% hộ gia đình có con từ 1-2 tuổi. Đáng chú ý, với khoảng 68% số dân có độ tuổi từ 15-64 tuổi, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dân số vàng nên số lượng gia đình trẻ gia tăng.
Còn theo đánh giá của Công ty nghiên cứu thị trường FTA, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng cho các dịch vụ kinh doanh sản phẩm của bà mẹ và trẻ em khi doanh số của thị trường tăng trưởng trung bình 2,5 tỷ USD mỗi năm.
Minh Tâm - Quỳnh NguyễnTrở lại Đời sốngTrở lại Đời sốngChia sẻ ×